Thị trường bất động sản 2012 vận động theo chiều hướng nào dường như vẫn đang là ẩn số - Ảnh: Reuters. |
Sau kỳ nghỉ Tết khá dài, giới đầu tư bất động sản đang uể oải trở lại thị trường với những kỳ vọng và dự báo trái chiều về triển vọng trong thời gian tới.
Theo nhìn nhận của giới đầu tư, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong nửa đầu năm nay. Nhưng cũng không ít người kỳ vọng rằng, sau những nỗ lực từ các cơ quan quản lý, ngành ngân hàng, thị trường sẽ có nhiều chuyển biến ngay trong quý 1 này, bởi theo họ, đây là thời điểm hợp lý nhất để người dân có thể mua nhà để ở.
Các sàn lạc quan
Tại Hà Nội, lẻ tẻ các sàn giao dịch đã có mua bán các suất chung cư dự án, đất thổ cư hay nhà liền kề. Theo thông lệ, hàng năm thời điểm trước và sau Tết giao dịch trên thị trường sẽ có cải thiện và sôi động hơn, bởi một số người trong giới đầu tư có quan niệm mua bán đầu năm để lấy may. Trong khi đó, với những người đang có nhu cầu về nhà ở, thời điểm sau Tết cũng là khi họ còn khá nhàn rỗi trong công việc, do vậy tìm kiếm cho mình một căn nhà với số tiền dành dụm, vay mượn... cũng là mục tiêu của không ít người tại các đô thị lớn.
Ông Nguyễn Văn Giáp, giám đốc sàn giao dịch bất động sản Phúc Thịnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, ngay trước Tết nguyên đán, tình hình thị trường đã có khởi sắc hơn hẳn mấy tháng trước, ít nhất là tại hai văn phòng giao dịch của doanh nghiệp này. Nếu như cả 3 tháng liền trước đó, sàn này chỉ có đúng 5 giao dịch thành công, thì ngay đầu tháng 1/2012, các nhân viên của sàn đã mang về 4 hợp đồng giao dịch thành công cho các suất chung cư, đất dự án.
“Ngày khai trương đầu tiên của năm mới chúng tôi cũng đã môi giới thành công 2 trường hợp mua chung cư tại Dịch Vọng và Xa La. Đó là tín hiệu tốt cho một chuyển biến tích cực của thị trường trong năm nay, bởi trên thực tế, tín dụng ngân hàng từ cuối năm 2011 cũng đã dễ thở hơn nhiều so với quãng thời gian dài trước đó”, ông Giáp nói.
Khảo sát của VnEconomy tại một số sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cũng cho thấy, dù chưa có nhiều chuyển biến vì hầu hết mới bắt đầu hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết khá dài. Tuy nhiên, với một vài giao dịch đầu năm, phần lớn đại diện các sàn giao dịch, nhà đầu tư đều tỏ ra khá lạc quan với triển vọng thị trường trong ngắn hạn cũng như trong suốt năm 2012 này.
Trong câu chuyện đầu xuân tại thôn Duyên Hà (Thanh Trì), một số người dân tại đây đã hồ hởi khoe, mới ra Tết đã có 3 – 4 người xuống đây hỏi tìm mua đất xây nhà. Thậm chí như gia đình chị Dịu trong thôn, mùng 6 Tết đã có người mang tiền đến đặt cọc mua một góc vườn của chị để xây nhà, sau khi hai bên đã đạt được thỏa thuận về giá cả.
Chuyên gia vẫn e dè
Với một vài giao dịch đầu xuân, không ít nhà đầu tư đã bắt đầu kỳ vọng về một bức tranh với gam màu sáng của thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi nhìn nhận về triển vọng lâu dài trong cả năm 2012, số khác lại cho rằng, diễn biến thị trường vẫn rất khó đoán bởi nó còn phụ thuộc nhiều vào cách điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trong năm nay, đặc biệt là cách hành xử đối với tín dụng bất động sản.
Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bất động sản Sohovietnam, về cơ bản, thị trường năm 2012 chưa có nhiều khởi sắc, bởi mỗi khi lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao thì thị trường vẫn còn im ắng.
Thậm chí, bi quan hơn, theo ông trong năm nay sẽ có không ít chủ đầu tư phải bán đi dự án bất động sản của mình để lấy tiền trả nợ. Trong năm 2012, nếu tình hình tiếp tục khó khăn sẽ có nhiều chủ đầu tư phải cấu trúc lại nguồn vốn do những khoản vay hồi đầu năm 2011 sẽ đáo hạn vào khoảng quý 1, quý 2/2012. Do đó, thị trường sẽ khó có thể bùng nổ như những năm trước.
Trong khi đó, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Phan Thành Mai bình luận, những nỗ lực từ các cơ quan quản lý trong thời gian qua nhằm cứu thị trường bất động sản là đáng ghi nhận. Động thái đó đã ít nhiều tác động tích cực lên thị trường trong thời gian cuối năm 2011 và đầu năm 2012.
Ông Mai cho rằng, nếu các chính sách của Ngân hàng Nhà nước được điều tiết theo hướng nới lỏng linh hoạt và có chọn lọc cho thị trường bất động sản, các kiến nghị của các bộ, ngành được Chính phủ thực thi...thì khả năng thị trường bất động sản sẽ có dấu hiệu phục hồi vào khoảng quý 3 hoặc quý 4/2012.
Tất nhiên, trong trường hợp ngược lại, tức là chính sách tiền tệ vẫn được thực hiện chặt chẽ, chính xác hơn là tín dụng vẫn bị thít chặt, lãi suất vẫn ở mức cao thì dường như bất động sản vẫn chưa thể “có cửa” trong năm nay được.
Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ một vài giao dịch nhỏ lẻ, tiến độ bán hàng của một số dự án lớn, có tên tuổi tại Hà Nội vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Các ông chủ dự án, dù vừa trải qua một cái tết đạm bạc, những buổi sáng thức dậy phải "vò đầu bứt tai" vì sự sống còn của dự án, nay lại phải đối mặt với một kế hoạch bán hàng trong năm mới.
Một dự án thuộc khu nội đô trên phố Kim Đồng kéo dài, trước Tết đã từng gây sốc với giá chào bán chỉ từ 18 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, do tiến độ bán hàng vẫn ì ạch nên ngay sau Tết, một số đơn vị bán hàng đã phải bổ sung thêm chi tiết “tặng ôtô” khi mua nhà với hy vọng sẽ huy động được vốn từ khách hàng để dự án không bị lỡ hẹn tiến độ vào cuối năm 2014.
Trong một dự báo năm 2012 mới công bố, CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2012 đang để ngỏ nhiều cơ hội cho giới đầu tư. Bởi lẽ, sau hàng loạt động thái, từ giảm giá bán, chương trình ưu đãi đến chuyển nhượng dự án... giới đầu tư bất động sản đang đứng trước 3 cánh cửa : “chết”, giảm giá hoặc cơ hội.
Nhóm chuyên gia đến từ công ty này cũng kỳ vọng rằng, sau những nỗ lực đến từ cơ quan quản lý trong thời gian qua, đến cuối năm 2012, các dự án có giá bán dưới 21 triệu đồng/m2 sẽ là những dự án “sống khỏe”. Bên cạnh đó, các dự án hạng sang trong khu vực trung tâm tại Hà Nội lẫn Tp.HCM cũng sẽ nhận được sự quan tâm từ một bộ phận giới đầu tư có tiềm lực tài chính lẫn các hộ gia đình lắm tiền nhiều của.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc CBRE, thị trường nếu có có dấu hiệu khởi sắc thì cũng phải từ quý 2/2012 trở đi kèm với đó là một điều kiện không thể thiếu từ sự linh hoạt của hệ thống ngân hàng đối với tín dụng bất động sản.
(Theo Vneconomy)